THẬP GIÁ (1)

***

I. SUY NIỆM LỜI CHÚA.

 

Chúng ta đọc : Lc 9,18-24.

 

          Sau thời gian đi rao gỉng Tin mừng, Chúa Giêsu cùng các môn đệ lui về vùng Cêsarê-Philipphê để nghỉ ngơi vì đây là nơi thuận tiện cho việc tĩnh dưỡng và thầy trò có thể hàn huyên thân mật. Nhân dịp này, Chúa Giêsu muốn biết dân chúng nhận thức về Ngài như thế nào, nên đã hỏi các ông :”Dân chúng bảo Thầy là ai” ? Các ông thưa ngay :”Người thì bảo là Gioan Tẩy giả, kẻ khác lại cho là Eâlia, còn người khác thì cho là một trong các tiên tri thời xưa đã sống lại”.  Ngài lại hỏi các ông :”Phần các con, các con bảo Thầy là ai” ? Phêrô thưa rằng :”Thầy là Đấng Kitô của Thiên Chúa”. Chúa Giêsu chấp nhận lời tuyên xưng ấy nhưng lại ngăn cấm các ông, không cho các ông nói với người khác về điều ấy.

 

          Tại sao Chúa Giêsu lại ngăn cấm ? Thưa vì danh hiệu “Đấng Kitô” hay Messia lúc đó còn rất hàm hồ đối với người đồng hương và ngay cả với các môn đệ của Ngài. Người ta sẽ hiểu lầm Chúa Giêsu là Đấng Messia đầy quyền năng và sức mạnh sẽ giải phóng dân tộc Israel khỏi ách đô hộ của người Rôma; và như vậy rất nguy hiểm và có thể phá vỡ công cuộc cứu chuộc của Ngài.

 

          Nhưng tiếp theo đó, Ngài tuyên bố thẳng thừng :”Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, bị các kỳ lão, các thượng tế và các luật sĩ từ bỏ và giết chết, nhưng ngày thứ ba sẽ sống lại”. Lời tuyên bố này làm cho các ông phân vân, khó hiểu, nó đi ngược với quan niệm của mọi ngươiø xưa nay. Tại sao Ngài lại phải chết ? Nếu Ngài phải chết thì làm sao Ngài có thể trở nên Messia được ? Làm sao Ngài có thể giải phóng Israel được ?

 

          Trước những suy nghĩ của các ông, Chúa Giêsu lạ bồi thêm :”Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo Ta”. Trước lời tuyên bố này, Chúa Giêsu muốn bảo cho những người muốn làm môn đệ của Ngài thì phải thực hiện hai điều kiện : từ bỏ mình và vác thập gia mình hằng ngày.

 

II. VÁC THẬP GIÁ VỚI CHÚA.

 

          Chúa mời gọi chúng ta hãy theo Chúa, hãy làm môn đệ của Ngài. Thực thế, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã thề hứa tin theo Chúa, mà theo Chúa là làm môn đệ của Ngài.

 

          Thánh Phaolô tông đồ trong thư gửi cho tín hữu Galát nói rằng :”Anh em đã chịu phép rửa trong Đức Kitô, nên anh em đã mặc lấy Đức Kitô” (Gl 3,27). Mặc lấy Đức Kitô, hay mặc lấy chiếc áo trắng rửa tội là mang lấy Thánh giá giống như Ngài. Đau khổ của thập giá tự bản chất là hình phạt bởi tội (St 3,16-19). Nhưng qua Đức Kitô, đau khổ đã trở nên giá cứu chuộc nhân loại, thập giá trở thành Thánh giá. Do đó, trong bí tích rửa tội, linh mục làm dấu Thánh giá trên trán người được rửa tội. Đây là một sự thực hành mà Giáo hội mượn từ quân đội Rôma. Khi một người đã trở nên một người lính Rôma, anh bị đóng ấn bởi dấu hiệu của hoàng đế trên trán để chứng tỏ bây giờ anh phải phục tùng hoàng đế. Dấu hiệu Thánh giá là dấu hiệu bề ngoài của một người thuộc về Đức Kitô, mang lấy Thánh giá như Chúa Kitô.

          Thánh giá với tượng Chúa Giêsu chịu đóng đinh là một hình ảnh giúp chúng ta ý thức về ý nghĩa của sự đau khổ. Chúng ta giữ thân xác khổ đau của Chúa Giêsu trên thập giá để nhắc nhở chúng ta đừng quên rằng nhờ sự đau khổ của Chúa Giêsu mà chúng ta được ơn cứu rỗi và cùng chia sẻ sự sống lại với Ngài.

 

          Nói đến thập giá ta nghĩ đến ngay hình ảnh cây Thập giá Chúa Giêsu vác lên đỉnh đồi Calve trong ngày thứù Sáu Tuần thánh và cũng chính cây Thập giá đó Chúa đã chịu treo lên. Quả thật Thập giá là “một ô nhục đối với người Do thái và ; là điều điên rồ đối với dân ngoại giáo”(1Cr 1,23). Thế mà Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta vác lấy cái ô nhục đó ! Thế nhưng, đối với Thiên Chúa đó là dấu chỉ của sự chiến thắng  tình yêu Thiên Chúa, là ngọn cờ chiến thắng khải hoàn trên sự chết. Vâng, đó chính là dấu chỉ của giới luật tình yêu mà Đức Kitô đã loan báo : Tình yêu con người dành cho Thiên Chúa và dành cho nhau. Chính tình yêu này đúc kết nên Thập giá mà những ai muốn làm môn đệ Chúa phải vác lấy.

 

III. VÁC THẬP GIÁ TRONG GIA ĐÌNH.

 

          Thập giá ở rải rác khắp nơi, nơi bản thân từng người cũng như nơi cộng đồng, cách riêng nơi cộng đồng gia đình.  Chúng tôi muốn nói đến cộng đồng tình yêu hay là mái ấm gia đình.

 

          Trên nguyên tắc, trong mái ấm gia đình người ta có thể tìm được sự thoải mái, niềm vui và hạnh phúc, nhưng trong thực tế, mấy ai tìm được những mái ấm gia đình như thế ? Nhiều người đã coi mái âm gia đình như những ngôi nhà hoang lạnh, hay như chốn ngục tù vĩ đại, trong đó giam hãm vợ chồng con cái. Người ta không thể tìm được những người hoàn toàn hợp với mình bởi vì bá nhân bá tính, sống mỗi người một nết, chết một người một tật. Do đó, trong đời sống chung, mỗi người sẽ trở nên thập giá của nhau. Và mỗi người phải vác thập giá của người khác.

 

                                      Truyện : Hôn thánh giá.

          Đây là một câu chuyện vui : người ta kể một cha giải tội, sau khi nghe hối nhân thú tội, ngài khuyên lơn rất nhiều về đời sống gia đình, phải chấp nhận những nết xấu của nhau… Mỗi người là thánh giá của nhau. Sau cùng, ngài ra việc đền tội cho hối nhân :”Về nhà con hôn Thánh giá hai lần”. Sau khi ra khỏi tòa giải tội, hối nhân trở về nhà. Bỗng dưng ông ôm chầm lấy vợ và trao cho vợ hai cái hôn thắm thiết. Bà vợ ngạc nhiên, thấy chồng có cái gì khang khác, mới hỏi lý do. Ông ôn tồn nói rõ nguyên nhân sự việc. Thật lạ lùng. Sau khi nghe chồng kể xong, lẽ ra bà vợ phải trách móc, đay nghiến ông chồng như thường khi, vì ông dám coi bà là “thánh giá”, là gánh nặng,  thậm chí là của nợ của đời ông. Ngược lại, bà ôm lấy chồng và trao hai nụ hôn cháy bỏng đáp trả, khiến ông chồng cũng ngạc nhiên không kém.

 

          Người ta yêu nhau, người ta xây dựng tổ ấm gia đình, nhưng dưới mái ấm ấy những người “yêu nhau” không thể tránh được những va chạm, những mối bất hòa bùng nổ hay ngấm ngầm khi phải chung đụng với nhau lâu dài trong đời sống vợ chồng. Ai mà không biết có những ông, những bà suốt ngày cứ cằn nhằn nhau, chê trách nhau, kể cả chửi bới “người mình yêu” từ nhà vọng ra vườn, từ sân vọng vào trong nhà. Người ta tìm ra được những câu chửi nhau thậm tệ, bởi móc cả từ ông bà tổ tiên ra để mà chửi cho đã cái lỗ miệng, như tôi đã nghe được ông chồng chửi vợ thật độc đáo :”Tiên sư cha con đĩ mẹ mày”!

 

          Người ta coi nhau như Thánh giá, thánh giá này quá sức nặng, quá sức chịu đựng, làm cho nhiều người sống ngày nào là phải kéo lê đời mình ngày ấy. “Thánh giá” do  “người yêu mình” tạo ra, làm cho cả hai (chứ không phải người “vác thánh gia” mà thôi) phải sống trong chán chường, đắng cay, chua chát. Gia đình do những người “yêu nhau” như thế quản lý, không còn là gia đình đúng nghĩa. Thay vì tổ ấm, gia đình trở thành nhà tù trói buộc, tra tấn nhau.

 

          Ngày nay người ta ly dị rất nhiều. Người ta ly dị như vậy có lẽ vì người ta  không dám chấp nhận vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa. Nhiều người giữa đường đứt gánh vì họ sợ chịu khó, sợ thập giá. Càng sợ thập giá thì thập giá càng đè lên vai họ, họ không thể tránh được thập giá vì Chúa Giêsu đã nói:”Sự khó ngày nào đủ cho ngày đó”.

 

          Trong gia đình, Chúa muốn cho vợ chồng cùng chung vai sát cánh mà vác thập giá trong sự tin tưởng và phấn khỏi bởi vì phải “per crucem ad lucem”, ai mà không biết. Chúa Giêsu cũng chỉ chiếm được vinh quang khi đã chết và sống lại.  Nhưng chúng ta phải nhớ rằng trong việc vác thập giá ấy không phải chỉ có hai vợ chồng vác mà còn thêm người thứ ba nữa, đó là Chúa Giêsu, Ngài không đi đàng trước mà chỉ đi phía sau mà hỗ trợ, Chúa cùng vác với vợ chồng, vợ chồng càng yếu, Chúa càng phải tiếp sức nhiều hơn.

 

          Trong một bức ảnh, tôi thấy người ta vẽ hình hai vợ chồng đang gắng sức vác cây thập giá lên dốc, nhưng Chúa Giêsu đang đi đàng sau cùng vác đỡ để khuyến khích vợ chồng. Như vậy, cây thập giá của gia đình luôn phù hợp với sức chịu đựng của hai người. Không bao giờ Chúa trao cho cây thập giá nặng quá đâu. Hãy vui vẻ mà vác. Đừng bao giờ phàn nàn vì cây thập giá của mình nặng quá, muốn cho cây thập giá nhẹ hơn.

 

                                      Truyện : Cưa bớt cây thập giá.

          Một đoàn người vác thập giá của mình, bước đi cực nhọc dưới sức nặng của cây thập giá đè nặng trên vai. Có một người vác một cây thập giá khá dài, không chịu được, ông cưa bớt đi một khúc. Sau cuộc hành trình gian truân, đoàn người đến trước một vực thẳm : tại đây không có một cây cầu nào để sang bên kia, là nơi được sống cạnh Chúa, và hưởng niềm vui muôn đời.

 

          Sau một lúc do dự, không ai bảo ai, mỗi người đặt cây thập giá của mình bắc qua vực thẳm, lạ lùng thay chúng vừa khít với bề ngang của vực thẳm, chỉ riêng cây thập giá bị cưa bớt cho đỡ nặng là hụt, và người vác nó phải đứng lại bên kia với sự tuyệt vọng.

 

 

Lm Giuse Đinh lập Liễm

Giáo xứ Kim phát

Đà lạt


Về trang Mục Lục